Chàng trai trồng rau hữu cơ theo kiểu 'không giống ai'

Chàng trai trồng rau hữu cơ theo kiểu 'không giống ai'

Ngày đăng: 23/09/2024 11:19 AM

 

Siêu thị vật tư nông nghiệp Mê-kông Xanh tự hào là địa chỉ tin cậy, chuyên cung cấp các loại phân bónthuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng rễ, thuốc diệt cỏ uy tín và chất lượng. Chúng tôi cam kết mang đến cho bà con nông dân những sản phẩm đã được kiểm định và cấp phép, đảm bảo hiệu quả sử dụng tối ưu.

 

BÌNH ĐỊNH - Nung nóng đất để xử lý nấm bệnh, dùng các chế phẩm sinh học chiết xuất từ thảo dược phòng trị bệnh cho cây..., người làng cho rằng anh là người quá ‘kỳ quặc’…

Xử lý đất theo cách của người Nhật

Năm 2016, anh Trịnh Hưng Công ở thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đi xuất khẩu lao động theo diện tu nghiệp sinh về nông nghiệp tại Nhật Bản. Tại đất nước mặt trời mọc, anh Công làm việc trong một nông trại chuyên sản xuất rau hữu cơ thuộc tỉnh Kagawa. Qua quá trình làm việc, anh Công nhận thấy người Nhật xử lý đất rất kỹ trước khi trồng rau hữu cơ.

Đất được lên luống, bón phân hữu cơ, cấy men vào và tưới nước vừa đủ ẩm. Sau đó, nhà vườn dùng bạt phủ kín luống đất rồi bơm hơi nóng vào. Hơi được bơm ra đến luống đất có nhiệt độ 80 - 90 độ C, đủ diệt mầm bệnh và nấm trong đất. Thời gian 1 lần xử lý đất kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ, một năm nhà vườn xử lý đất 2 lần.

Nắm bắt quy trình xử lý đất của người Nhật, giữa năm 2019, Công về quê đầu tư xây dựng vườn rau hữu cơ khoảng 1ha. Dựa vào ưu thế khí hậu miền Trung có thời gian nắng ấm kéo dài 9 tháng trong năm, Công nghĩ ra quy trình lý xử đất bằng phương pháp thủ công để đỡ tốn chi phí.

Anh Trịnh Hưng Công chia sẻ cách trồng rau hữu cơ “không giống ai” của mình. Ảnh: V.Đ.T.

Công tận dụng ánh nắng mặt trời thay cho lò hơi như ở Nhật. Sau khi cày đất, lên luống, bón phân hữu cơ và cấy men, Công tưới nước tạo độ ẩm cho đất, sau đó dùng bạt 2 lớp phủ kín luống đất để nhiệt độ bên trong tăng lên 80 - 90 độ C. Với nhiệt độ này, trong đất sẽ không còn mầm bệnh và nấm, hiệu quả chẳng thua kém cách xử lý đất bằng lò hơi ở Nhật. Tuy xử lý đất theo cách thủ công không tốn chi phí nhiều nhưng tốn thời gian hơn so với cách xử lý bằng lò hơi.

Hiện nay, ngoài trang trại rộng 1,6ha tại thôn Thiết Trụ, anh Công còn sở hữu 3 trang trại rau hữu cơ khác, một ở thôn Thiết Trụ Bắc (xã Nhơn Hậu) có diện tích 1ha, một ở thôn Đại Hòa (xã Nhơn Hậu) có diện tích gần 2ha và một ở thôn Thiết Tràng (xã Nhơn Mỹ) có diện tích 1,8ha.

Tại những trang trại rau hữu cơ, hiện mỗi năm anh Công xử lý đất 1 lần vào mùa hè để tận dụng ánh nắng mặt trời, thời gian xử lý từ 12 - 15 ngày. Xử lý đất bằng phương pháp thủ công, anh Công tiết kiệm được từ 520 - 550 triệu đồng so với lò hơi và đường ống dẫn khí bằng vật liệu Inox để xử lý cho 1ha đất.

“Trong xử lý đất, phân hữu cơ đóng vai trò quan trọng là cải tạo đất. Để phân gà trở thành chất dinh dưỡng cho đất, cần phải được xử lý để trong phân không còn hàm lượng nitrat; còn phân bò phải được xử lý để không còn giun, có như thế mới giúp cây trồng phát triển tốt”, anh Trịnh Hưng Công chia sẻ.

Kỹ sư nông nghiệp Hà Thị Thanh Thảo đang làm việc tại trang trại rau hữu cơ của anh Trịnh Hưng Công. Ảnh: V.Đ.T.

Tự chế thuốc bảo vệ thực vật “không giống ai”

Trong quá trình làm việc tại trang trại rau hữu cơ ở tỉnh Kagawa (Nhật Bản), ngoài học được quy trình sản xuất rau hữu cơ, anh Công còn học được công thức chế các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Tại trang trại mô hình rộng 1,6ha tại thôn Thiết Trụ, hiện anh Công đang trồng 36 loại rau, trong đó có 12 loại rau gia vị, số còn lại là rau ăn lá. Suốt quá trình rau sinh trưởng, Công không dùng bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật hóa học nào.

Theo chị Hà Thị Thanh Thảo, kỹ sư nông nghiệp (tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP.HCM) đang làm việc tại trang trại rau hữu cơ của anh Công, nếu rau bị sâu bệnh gây hại sẽ được chữa trị bằng “thuốc nam”. Đó là các chế phẩm được chiết xuất từ các loại thảo dược như gừng, tỏi, rau răm, sả, ớt, hạt bình bát, vỏ và lá cây sầu đông, bã dầu dừa, cây thuốc lá... và dùng cây mồng tơi và quả đậu bắp làm dung môi pha trộn với các chế phẩm nói trên để trị bệnh cho rau. Theo chị Thảo, mỗi chế phẩm có công dụng khác nhau, có loại chuyên trị rầy, có loại chuyên trị các loại sâu, có loại chuyên trị bọ...

Sản xuất giống rau tại trang trại mô hình của anh Trịnh Hưng Công. Ảnh: VĐT.

“Nếu rau bị sâu gây hại thì dùng các chế phẩm được chiết xuất ra từ ớt và tỏi; rau bị các loại bọ tấn công thì dùng chế phẩm kích thần kinh được chiết xuất từ quả thầu đâu, thuốc lá, bình bát. Muốn các chế phẩm phát huy hiệu quả, nhà vườn phải nắm bắt được quy trình hoạt động của từng loại sâu bệnh hại, biết khi nào chúng phá hại vườn rau để mình chủ động tấn công chúng đúng thời điểm”, kỹ sư Hà Thị Thanh Thảo chia sẻ.

Anh Trịnh Hưng Công cho biết thêm, sữa trị rầy rất hiệu quả. Sữa không giết được rầy, nhưng nó nhiễm vào rầy rồi lên men rất nhanh, lớp men này phá vỡ lớp bọc của rầy khiến chúng bị chết. Hiện nay, sữa có giá chưa tới 7.000đ/bịch, mỗi lần chỉ cần dùng 2 bịch khoảng 14.000đ nhưng có thể diệt rầy trên diện tích 1 sào rau (500m2/sào). Thời gian rầy mới phát sinh phun sữa 2 ngày/lần, sau đó kéo giãn ra từ 7 - 10 ngày/lần. Ngoài ra, sau khi cho rau “ăn” sữa, rau sẽ phát triển rất nhanh.

Phân hữu cơ được sử dụng tại 4 trang trại rau hữu cơ của anh Trịnh Hưng Công. Ảnh: V.Đ.T.

“Những trang trại rau hữu cơ của tôi kiểm soát bọ nhảy gây hại lá cải rất hiệu quả. Chế phẩm sinh học được chiết xuất từ quả thầu đâu, thuốc lá, bình bát dù không giết được bọ nhảy nhưng kích được thần kinh của chúng, khiến chúng bị tê liệt, mất chức năng ăn phá lá cải”, anh Trịnh Hưng Công lý giải.

“Trong muôn nẻo làm giàu, nông nghiệp là nẻo đường gian nan nhất bởi sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Đầu tư vào nông nghiệp có thời gian thu hồi vốn lâu mà đầu tư rất lớn. Tất nhiên không phải ai chọn khởi nghiệp nông nghiệp cũng đều thất bại, nhưng đường đi đến thành công gian khó hơn ngành khác rất nhiều. Đổi lại, niềm hạnh phúc khi đạt được thành công cũng ngọt ngào không kém. Cuộc dấn thân của anh Trịnh Hưng Công và nhiều nông dân trẻ ở Bình Định là những ví dụ”, bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định nhận xét.

Vũ Đình Thung