Có chặn được phân bón giả, 
kém chất lượng?

Có chặn được phân bón giả, 
kém chất lượng?

Ngày đăng: 22/08/2024 09:39 AM

 

Siêu thị vật tư nông nghiệp Mê-kông Xanh tự hào là địa chỉ tin cậy, chuyên cung cấp các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng rễ, thuốc diệt cỏ uy tín và chất lượng. Chúng tôi cam kết mang đến cho bà con nông dân những sản phẩm đã được kiểm định và cấp phép, đảm bảo hiệu quả sử dụng tối ưu.

 

TTO - Sự quản lý lỏng lẻo trong hoạt động cấp phép, thanh tra kiểm tra của bộ ngành, cơ quan chức năng liên quan là nguyên nhân chính khiến tình trạng phân bón giả, kém chất lượng hoành hành trong thời gian vừa qua.

Một lượng lớn phân bón sản xuất không có giấy phép chuẩn bị được đóng bao tại thôn 3, xã Cư Ebua, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Ảnh: PHẠM CƯỜNG

Ông Hồ Quang Thái, phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, khẳng định như vậy tại buổi tọa đàm với nội dung “Phân bón giả, tác hại thật” do báo Tuổi Trẻ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia và Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) tổ chức tại Hà Nội ngày 14-7.

Phân bón dỏm tràn lan do quản lý lỏng lẻo

Công bố tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Như Cường - cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - cho biết đến nay cơ quan này chỉ cấp phép cho 67 doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón hữu cơ. Với phân bón vô cơ, theo ông Nguyễn Văn Thanh - cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương), đến nay cũng mới chỉ có 288 DN được cấp phép, trong số hơn 450 hồ sơ gửi đến cơ quan này.

“Tên và địa chỉ của các DN được cấp phép đã được công bố trên website. Nếu cơ quan chức năng địa phương và nông dân phát hiện những DN sản xuất phân bón nào không có tên trong danh sách này có thể báo để chúng tôi kiểm tra, xử lý” - ông Thanh nói.

Dẫn số liệu từ Cục Quản lý thị trường cho thấy cả nước hiện có khoảng 16.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh phân bón, trong đó có hơn 1.000 DN sản xuất, ông Hồ Quang Thái cho rằng khoảng 70% số DN sản xuất phân bón hiện đang sản xuất “chui”, hoạt động không phép.

“Đã là DN sản xuất chui, chất lượng không thể kiểm soát, nông dân sẽ gặp rủi ro khi mua sản phẩm của những DN này” - ông Thái lo lắng. Không chỉ cảnh báo về chuyện DN sản xuất phân bón “chui”, ông Thái cũng bày tỏ lo ngại tình trạng DN có phép nhưng cố tình làm ăn sai trái.

“DN tự công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm không đúng chuẩn nhưng cơ quan kiểm nghiệm vẫn cấp phép, gây khó cho công tác thanh tra, kiểm tra chứ chưa nói đến việc lựa chọn sản phẩm của người dân. Phải xem xét lại công tác cấp phép, kiểm nghiệm phân bón hiện nay” - ông Thái đề nghị.

Theo ông Đặng Hữu Thắng - phó ban tiếp thị truyền thông PVFCCo, thời gian qua rất nhiều DN phân bón nhỏ lẻ, sản xuất “chui” về tận thôn xã tổ chức các cuộc hội thảo, tư vấn sử dụng phân bón. “Họ quảng bá chất lượng sản phẩm “trên trời”, thậm chí phối hợp với các hội địa phương hoặc các chuyên gia nông nghiệp để tạo uy tín, nông dân không thể phân biệt đâu là thông tin thật đâu là thông tin giả” - ông Thắng nói.

Ông Thắng cho rằng kinh doanh kiểu “mãi võ” này tiềm ẩn nguy cơ đối với hoạt động sản xuất của nông dân, trong khi cơ quan chức năng khó truy cứu trách nhiệm bởi các DN này thường “lặn” mất tăm sau khi bán hàng.

Ông Thanh cũng thừa nhận nhiều DN mời giáo sư, người có bằng cấp nào đó đi cố vấn kỹ thuật, trong khi hàng hóa của các DN này thường ghi nhãn rất dễ gây nhầm lẫn, thậm chí có yếu tố “đánh lừa”.

Theo ông Thanh, trong nghị định về kinh doanh phân bón sửa đổi tới đây, Bộ Công thương sẽ có quy định chặt chẽ để điều chỉnh hoạt động này.

Siết các quy định, trang bị kiến thức cho nông dân

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Thanh Lam - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường - khẳng định dù tăng cường kiểm tra và mạnh tay xử lý các cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng nhưng “bắt không xuể”.

Dẫn trường hợp vừa phối hợp với Quản lý thị trường Vĩnh Long kiểm tra và phát hiện phân bón được Công ty TNHH MTV phân bón Hà Tây (Bình Chánh, TP.HCM) phân phối (cho một DN tại Vĩnh Long) là hàng giả và không có giá trị sử dụng, ông Lam khuyến cáo rằng “kiểm tra đến đâu phát hiện phân bón giả, phân bón kém chất lượng đến đó”.

Để tăng cường kiểm soát hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết Cục Hóa chất đã trình bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt kế hoạch kiểm soát thị trường phân bón, trong đó sẽ có những quy định “bít” các lỗ hổng pháp lý, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón, tăng cường việc xử lý, xử phạt các sai phạm.

Tuy nhiên, ông Thanh thừa nhận dù các văn bản pháp quy có được hoàn thiện nhưng nếu không có sự vào cuộc của địa phương sẽ khó thành công. “Các địa phương hoàn toàn nắm rõ cơ sở sản xuất nào trên địa bàn mình hoạt động có phép hay không” - ông Thanh khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Hữu Thắng, dù cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh khá đầy đủ nhưng việc thực thi thế nào mới quan trọng, đồng thời khẳng định “cái nôi sản sinh tiêu cực” chính là các đơn vị cấp phép.

Theo ông Thắng, chính sự lỏng lẻo trong giám sát đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các công ty sản xuất, kinh doanh hiện nay. “Người dân có thể mua được phân bón với giá rẻ nhưng chất lượng không đảm bảo, trong khi các DN chân chính không thể “chạy đua” hạ giá để cạnh tranh bởi chất lượng sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng” - ông Thắng khẳng định.

Thừa nhận “có phạt cả ngày cả đêm cũng khó mà hết” các loại phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Như Cường cho rằng đã đến lúc xây dựng mô hình “bác sĩ dinh dưỡng cây trồng” nhằm trực tiếp phổ biến kiến thức cho nông dân.

Với mô hình này, theo ông Cường, nông dân sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức để chủ động lựa chọn sản phẩm phân bón phù hợp, biết cách phân biệt phân bón thật - giả, sử dụng phân bón hiệu quả.

“Chỉ khi có kiến thức, nông dân sẽ không lệ thuộc vào sự chi phối của đại lý” - ông Cường nói.

Nông dân thiệt đơn thiệt kép

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm của báo Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Phong (một nông dân ở Cao Phong, Hòa Bình) thừa nhận thực tế bà con nông dân không thể phân biệt được phân bón thật và phân bón giả do không được tư vấn, chỉ phát hiện khi bón không hiệu quả.

Và khi phát hiện phân bón giả, nông dân chỉ có thể đem trả lại đại lý để được... đổi cho bao khác. “Thường không ai nhận được bồi thường thiệt hại cả” - ông Phong nói.

Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Chiến - chủ tịch Hợp tác xã Phúc Linh (Hòa Bình), phân bón giả gây thiệt hại rất lớn: mất tiền mua, mất sức sử dụng và chăm bón cây nhưng cuối cùng không có sản phẩm như mong muốn, thậm chí chết cây trồng.

Lâu dài, đất canh tác, môi trường khu vực bón phân giả, kém chất lượng cũng bị ảnh hưởng. “Phân bón giả không khác gì ma trận. Nếu các cơ quan quản lý không tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý, thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn” - ông Chiến nói.

LÊ SƠN - CẦM VĂN KÌNH