Làm phân hữu cơ từ rơm rạ góp phần bảo vệ môi trường
Mỗi năm vùng ĐBSCL sản xuất được khoảng 24 triệu tấn lúa, thì cũng có chừng ấy tấn rơm rạ thải ra đồng ruộng. Việc tận dụng nguồn phế, phụ phẩm trong nông nghiệp làm phân hữu cơ vừa góp phần làm sạch môi trường, giảm ô nhiễm và giảm phát thải, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, vừa có nguồn phân hữu cơ bón cho đất.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP. Cần Thơ cho biết: Trong thời điểm hiện nay giá vật tư tăng cao, đã gây áp lực cho người sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã liên kết với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI), Trường ĐH Nông Lâm (TP. HCM) và Trường Đại học Tiền Giang thực hiện hướng dẫn bà con nông dân tận dụng rơm rạ thay vì bỏ đi, mang đi ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, giúp nông dân giảm chi phí và tăng lợi nhuận.
Theo bà Hiếu, thời gian qua ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã triển khai các mô hình thí điểm về canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm rạ kết hợp với tiến bộ kỹ thuật “1 phải 5 giảm” tại các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt... Qua kết quả đánh giá, mô hình giúp nông dân giảm từ 35 - 40% chi phí sử dụng phân, thuốc hóa học và lợi nhuận tăng thêm 10% trên cùng một diện tích so với sản xuất truyền thống.
Theo TS Nguyễn Văn Hùng, Trưởng nhóm Cơ giới hóa và sau thu hoạch - Viện Nghiên cứu Lúa Gạo Quốc tế (IRRI), công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ rơm giúp đảm bảo chất lượng, giá thành rẻ hơn khoảng 50% so với phân bón trên thị trường. Phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất, nâng cao chất lượng nông sản đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Một lợi thế khác biệt của công nghệ này là kết hợp giữa cơ khí (hay vật lý) và sinh hóa để tối ưu quá trình phân hủy rơm hiệu quả và chất lượng hữu cơ. Ngoài việc tạo giá trị rơm rạ, việc dùng rơm ủ phân hữu cơ đã góp phần giảm khí phát thải nhà kính so với việc chôn vùi rơm sau thu hoạch. Hơn nữa, việc tránh đốt rơm rạ tại đồng là một trong những tiêu chí của bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.
Nói về kỹ thuật ủ phân rơm, ông Hùng chia sẻ thêm: Trường hợp ủ phân dùng rơm và phân bò, tỷ lệ tương ứng giữa 2 loại nguyên liệu này là 6/4, tuy nhiên còn phụ thuộc vào ẩm độ nguyên liệu. Trong thực tế, luống ủ có thể thêm đất (giàu N), khi đó thành phần trong luống ủ gồm 60% rơm, 30% phân bò, 10% đất, được tính với cùng ẩm độ. Kích thước mặt cắt luống ủ phụ thuộc vào kích thước và năng suất của máy trộn. Đối với máy trộn liên hợp với máy kéo 30 - 35HP, mặt cắt luống ủ với bề rộng chân luống 1,2m, chiều cao 0,7m.
Đối với rơm sau trồng nấm (50 - 60%) và phân bò (60 - 70%), tỷ lệ phối trộn tương ứng là 1,2:1, với C/N = 26,1. Trong trường hợp sử dụng rơm khô 14% và phân bò khô 30% thì tỷ lệ tương ứng là 1:1. Trường hợp ủ rơm sau trồng nấm với ẩm độ 60–70% và phân bò khô 10% thì tỷ lệ phối trộn theo khối lượng tương ứng là 5,6:1. Lượng men vi sinh là 5 lít, được hòa trộn với nước và phun vào luống ủ.
Nguyên liệu rơm với ẩm độ cao hơn yêu cầu nên không phun thêm nước quá trình đảo trộn. Trường hợp nguyên liệu là rơm khô và đất ruộng với tỷ lệ 7:3 quy về cùng ẩm độ 30%, 0,5% URE, 1% P, 0,3% K và 0,2% mật rỉ đường. Bên cạnh đó cần có 1% men vi sinh dạng nước và 1% men vi sinh dạng bột.
Quá trình thành phẩm phân hữu cơ, sau khi làm mát, khoảng 45 ngày sau đảo trộn lần đầu, thành phẩm là phân hữu cơ sẵn sàng cho sử dụng. Sản phẩm với ẩm độ 30-40%, có thể được phân loại qua sàng tạp chất lớn.
Chất lượng thành phẩm phân hữu cơ được đánh giá qua các chỉ tiêu về các thành phần C, N, P, K, tỷ lệ C/N, độ pH, độ ẩm. Từ các kết quả thí nghiệm đối với nhiều loại nguyên vật liệu khác nhau, tỷ lệ C/N của thành phẩm 13–14.5, độ pH: 6.8–7.2, độ ẩm 35–40%, sau đó được trải đều trong nhà để giảm ẩm độ đến 30% trước khi phối trộn làm giá thể hoặc phơi nắng đến ẩm độ 14% trước khi qua quá trình ép viên nén.
Trong thời gian tới cần khuyến cáo người dân nhân rộng sử dụng phân hữu cơ từ rơm rạ sau thu hoạch nhằm giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng và tái tạo ra nguồn hữu cơ dồi dào, đảm bảo xu thế phát triển nông nghiệp sạch và nhu cầu thực phẩm hữu cơ.
Lê Hoàng Vũ