Phát triển nông nghiệp xanh: Thực trạng và giải pháp

Phát triển nông nghiệp xanh: Thực trạng và giải pháp

Ngày đăng: 07/11/2024 09:57 AM

Siêu thị vật tư nông nghiệp Mê-kông Xanh tự hào là địa chỉ tin cậy, chuyên cung cấp các loại phân bónthuốc bảo vệ thực vậtthuốc trừ sâu, thuốc dưỡng rễ, thuốc diệt cỏ uy tín và chất lượng. Chúng tôi cam kết mang đến cho bà con nông dân những sản phẩm đã được kiểm định và cấp phép, đảm bảo hiệu quả sử dụng tối ưu.

 

(ĐCSVN) - Phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá, hàng hoá xuất khẩu, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới. Tại Hội nghị COP26 (Tháng 12/2021), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050; giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực - thực phẩm, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu.

Thực trạng phát triển nông nghiệp xanh

Trong những năm vừa qua nông nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Nông nghiệp xanh  sử dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững.

Tại Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất hướng tới nông nghiệp xanh đã được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương thông qua các mô hình canh tác tổng hợp trong trồng lúa, giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm," đã giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng lúa gạo.

Nhiều nhà vườn sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước.

Nuôi trồng thuỷ sản đã chú trọng phát triển các vùng, mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao (đặc biệt là nuôi tôm siêu thâm canh), công nghệ thân thiện với môi trường. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng mô hình lúa - tôm, lúa – cá khá thành công đảm bảo hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong chăn nuôi, việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, như: thân cây ngô, rơm, đậu lạc... sản xuất thành thức ăn chăn nuôi; xử lý chất thải thành khí sinh học, nuôi trùn quế, áp dụng công nghệ vi sinh, đệm sinh học, chế biến phân vi sinh, phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường. Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo chuỗi giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong chăn nuôi được thúc đẩy; mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ đang dần được nhân rộng.

Trong lâm nghiệp, thực hiện kế hoạch hành động quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch hành động thích ứng với Luật Chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR). Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có đóng góp quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, thu dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt khoảng 3.200 tỷ đồng. Cấp chứng chỉ rừng quản lý bền vững (FSC và VFCS/PEFC) đến nay đat 465 nghìn ha. Lần đầu tiên Việt nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng cho Ngân hàng Thế giới sẽ là nguồn kinh phí quan trọng tăng cường công tác bảo vệ phát triển rừng.

Liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh. Thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đã có 2.204 hợp tác xã, 517 Tổ hợp tác, 1.091 doanh nghiệp và 186.829 hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Đến cuối năm 2023, các địa phương đã phê duyệt 2.146 dự án, kế hoạch liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, trong đó, trồng trọt 1.504 dự án, chăn nuôi 489 dự án, lâm nghiệp 61 dự án, thủy sản 92 dự án, tổng kinh phí của các dự án, kế hoạch liên kết được duyệt là 11.440 tỷ đồng, bình quân 5,33 tỷ đồng/dự án liên kết.

Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 12,07 tỷ USD. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: Rau quả 5,69 tỷ USD, gạo 4,78 tỷ USD, điều 3,63 tỷ USD.

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp xanh mới đạt được những kết quả ban đầu, thực tế vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần được khắc phục:

- Quy mô sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn chủ yếu là các nông hộ sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết đang là “rào cản” cho việc ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, thương mại nông sản, nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, sinh thái.

- Hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh thiếu đồng bộ, thủ tục xây dựng dự án, tiếp nhận cơ chế hỗ trợ còn rườm rà, phức tạp, khó tiếp cận, nhiều rủi ro. Việc lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác như: chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng… còn gặp nhiều khó khăn.

- Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước khoảng 156,8 triệu tấn, gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm từ ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,64%). Tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt đạt khoảng 52%, trong chăn nuôi là 75%, trong lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%. Đây được coi là nguồn tài nguyên lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, nhưng chưa có cơ chế, chính sách hữu hiệu, đồng bộ để sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm này.

- Thiếu chế tài đủ mạnh xử lý những trường hợp sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng thuốc trong chăn nuôi - thú y - thuỷ sản, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… bán sản phẩm nông sản không đúng tiêu chuẩn sản phẩm sản xuất hữu cơ, xanh, tuần hoàn, sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm trộn lẫn với sản phẩm không an toàn và các sản phẩm thông thường khác.

Giải pháp phát triển nông nghiệp xanh

Những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước: Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng sinh thái, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Phát huy lợi thế vùng, miền, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với lộ trình thực hiện cam kết quốc tế. Sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu sản xuất; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp.

Để phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/1/2022), mục tiêu chung của Chiến lược là hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 (Quyết định số 885/QĐ-TTg, ngày 23/6/2020), Đề án đặt ra mục tiêu: Phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Để phát triển kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” (Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022, trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, phát triển nông thôn. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý phụ, phế phẩm trong nông nghiệp, đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp; Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án áp dụng kinh tế tuần hoàn trong phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước, vật tư đầu vào nhằm giảm suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường; Thúc đẩy sự tham gia của các khu vực tư nhân, các tổ chức, từng hộ nông dân vào chuỗi giá trị nông sản tuần hoàn; Các mô hình tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên (đất, nước, thủy hải sản); Tiếp tục xây dựng và triển khai Chương trình nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nghiên cứu đề xuất triển khai chương trình mỗi xã nông thôn mới một mô hình KTTH (viết tắt là OCOC)”.

 Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp xanh.

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Đề xuất một số giải pháp phát triển nông nghiệp xanh

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp xanh.

Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2024, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất; sử dụng hiệu quả đất lúa, đất rừng; sử dụng đất đa mục đích tạo điều kiện phát triển  nông nghiệp xanh quy mô lớn, gắn sản xuất với thị trường.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp xanh, bao gồm: Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã 2023, chính sách phát triển kinh tế trang trại và phát triển kinh tế hộ. Phát triển hợp tác, liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong nông nghiệp.

 Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã được quan tâm, ngày càng sát với sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, khó tiếp cận, nhất là nhu cầu vốn lớn cho phát triển nông nghiệp xanh, đề nghị được sử dụng tài sản hình thành trong quá trình đầu tư  sản xuất kinh doanh nông nghiệp để làm tài sản thế chấp. Cần có chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp với các hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp để họ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; thủ tục phải đơn giản, thuận tiện, cơ chế cho vay và thu nợ theo chu kỳ sản xuất của cây trồng, vật nuôi.

Trong sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro kép do thiên tai, dịch bệnh từ những tác động của các yếu tố thời tiết, khí hậu và rủi ro do thị trường vì vậy để giảm thiểu rủi ro, bảo vệ sản xuất cần có chính sách mở rộng phạm vi đối tượng được bảo hiểm cho nông nghiệp.

Hai là, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị nông sản xanh; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức sản xuất xanh. Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới; thực thi các biện pháp quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết theo chuỗi; trước hết, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn nhằm thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp. Tổng kết, tuyên truyền và nhân rộng các hình thức hợp tác, liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản xanh. Có cơ chế, chính sách mạnh mẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp xanh gắn với phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, nhất là các ngành chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, sử dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ làm nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội ở  các vùng nông thôn, trong đó đặc biệt ưu đãi các doanh nghiệp về các vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Ba là, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ.

Xác định khoa học và công nghệ phải là khâu then chốt để tạo đột phá trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, quản lý quy trình từ sản xuất đến thương mại sản phẩm; thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học và công nghệ tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế trong các hoạt động sản xuất, quản lý nông nghiệp; xây dựng quy trình chuẩn để có thể sản xuất các sản phẩm xanh, chất lượng cao, xây dựng thương hiệu quốc gia.

Nghiên cứu các chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo; chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường sự kết nối giữa các cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp; thực hiện chính sách đặt hàng cho các nhiệm vụ khoa học; hình thành các Trung tâm khoa học công nghệ cho các vùng trọng điểm nông nghiệp; quản lý tốt quy hoạch, xã hội hóa tối đa đầu tư xây dựng khu và vùng nông nghiệp trọng điểm.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp, năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp xanh của nông dân.

Thực hiện đào tạo nghề cho nông dân theo đề án, dự án sản xuất nông nghiệp trên địa bàn gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo cho người làm nghề nông nắm vững khoa học, kỹ thuật và các kỹ năng, quy trình sản xuất xanh cần thiết, để nông dân trở thành nông dân “chuyên nghiệp”, có thể làm chủ được quá trình sản xuất sản phẩm hàng hóa. Hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp trong đào tạo nghề cho nông dân khi tham gia các hợp đồng liên kết. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục thực hiện chương trình đưa trí thức trẻ về công tác tại tuyến xã.

Năm là, đẩy mạnh phát triển thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.

Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường để định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hướng nông nghiệp xanh; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro theo cam kết, hội nhập quốc tế; tranh thủ kinh nghiệm nguồn lực từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế để phát triển nông nghiệp xanh nhất là phát triển thị trường tín chỉ các bon, canh tác nông nghiệp giảm phát thải.

Phát triển mạnh thị trường trong nước, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu thụ hàng nông sản. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa; xây dựng hình ảnh sản phẩm xanh, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng phát triển thương hiệu lớn, có uy tín, gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2022), Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030

3. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 150/QĐ-TTg, ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030.

4. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

5. Bộ Nông nghiệp và PTNT (tháng 12/2023): Báo cáo Tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024./.

 

ThS. Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn